Mới đây, Sở GTVT Hà Nội có văn bản gửi các cơ quan liên quan về việc tăng cường đôn đốc, nhắc nhở và xử lý vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình.
Văn bản số 3718/SGTVT-QLVT thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT tại văn bản số 3153/SGTVT-QLVT ngày 5/4/2019 của Bộ GTVT về việc tăng cường trích xuất thông tin từ thiết bị giám sát hành trình để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông, khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, Ban An toàn giao thông Thành phố cũng lên kế hoạch chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, Phòng QLVT xây dựng và triển khai Kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn thành phố thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải và các quy định có liên quan về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Hà Nội vừa có văn bản đốc thúc xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình. (Ảnh minh họa)
Đối với các đơn vị khai thác bến xe trên địa bàn thành phố, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu cần tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát các điều kiện của phương tiện, người lái,…; có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Sở GTVT các tỉnh, thành phố nơi phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình của xe không có thông tin trên hệ thống quản lý dữ liệu về thiết bị giám sát hành trình của TCĐB Việt Nam theo quy định.
Mặt khác, Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cần có bộ phận theo dõi an toàn giao thông để giám sát dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, kịp thời nhắc nhở lái xe chấp hành nghiêm các quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải, không phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm về tốc độ và thời gian lái xe liên tục, dừng đỗ xe sai quy định. Các đơn vị cũng không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật hay trang thiết bị ngoại vi để can thiệp vào quá trình hoạt động của thiết bị giám sát hành trình.
Các đơn vị này cũng cần tăng cường nhắc nhở đội ngũ lái xe thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn, chấp hành tốt luật giao thông đường bộ; chỉ sử dụng lái xe có đủ sức khỏe để điều khiển phương tiện, có phương án bố trí xe và lái xe dự phòng khi cần thiết. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm trường hợp lái xe sử dụng rượu bia, chất ma túy khi lái xe,… Trường hợp lái xe điều khiển xe trên các cung đường đặc thù như đường đèo, dốc, khó đi cần thực hiện các biện pháp đặc biệt để đảm bảo an toàn giao thông như chú ý quan sát tốc độ, cập nhật dự báo thời tiết, chú ý cảnh báo vị trí,…
Cuối cùng, phòng Quản lý vận tải là đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin vi phạm; thường xuyên trích xuất dữ liệu thông qua hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của TCĐBVN để nhắc nhở, xử lý, hạn chế tối đa vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho các địa phương.