Mặc dù quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đã được áp dụng từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn có rất nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả của sản phẩm này.
Như chúng ta đã biết, thiết bị giám sát hành trình là thiết bị điện tử được lắp trên xe ô tô để ghi, lưu trữ và truyền phát các thông tin bắt buộc liên quan trong hành trình của xe ô tô. Thông tin này sẽ phục vụ công tác quản lý vận tải của doanh nghiệp cũng như hỗ trợ tối đa cơ quan chức năng trong quản lý xe và tài xế.
Việc quản lý qua thiết bị giám sát hành trình ngày càng phổ biến. (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại NĐ86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, lộ trình lắp gps với các phương tiện được quy định cụ thể:
- Trước ngày 01/7/2012: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ ;
- Trước ngày 01/7/2015: Xe taxi, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải;
- Trước ngày 01/1/ 2016: Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên;
- Trước ngày 01/ 7/2016: Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 07 tấn đến dưới 10 tấn;
- Trước ngày 01/1/ 2017: Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 07 tấn;
- Trước ngày 01/ 7/2018: Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn.
Cho đến nay, việc triển khai lắp đặt thiết bị này gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi dự thảo Nghị định 86, cũng có ý kiến cho rằng cơ quan chức năng nên gỡ bỏ quy định về thiết bị giám sát hành trình để giao các điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp.
Mới đây, một đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất bỏ thiết bị giám sát hành trình đối với các xe hợp đồng, bao gồm cả xe taxi. Bởi theo đại diện này, nếu xe hợp đồng xảy ra vấn đề gì thì cơ quan chức năng có thể kiểm soát qua hộp đen, nhưng với số lượng hàng triệu xe như hiện nay việc quản lý còn gặp nhiều bất cập. Do đó việc bắt buộc gắn hộp đen lên xe hợp đồng là không cần thiết.
Ngay khi ý kiến này đưa ra, hàng loạt những phản bác từ chính các doanh nghiệp và nhà quản lý cũng rầm rộ xuất hiện trên truyền thông. Trái ngược hoàn toàn với ý kiến cho rằng hộp đen hoàn toàn vô tác dụng, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Trên hết là phải bảo đảm điều kiện an toàn tối đa cho hành khách, giúp quản lý tài xế trong mỗi chuyến xe. Tôi đã nói rõ quan điểm rất nhiều lần, ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách cần quy định chặt chẽ về các điều kiện an toàn cho hành khách, cho tài xế và cho cả chuyến hành trình, không thể bỏ bất cứ điều kiện nào liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho hành khách. Vì thế, nếu đề nghị bỏ thiết bị giám sát hành trình trên xe tức là bỏ đi điều kiện an toàn tối thiếu phải có trên mỗi chuyến xe, như thế là phản khoa học, phí thực tế và đi ngược lại những nỗ lực của cơ quan nhà nước trong việc đưa ra các quy định chặt chẽ trong ngành kinh doanh vận tải hành khách”.
Dữ liệu thiết bị giám sát hành trình có vai trò quan trọng trong quản lý giao thông vận tải. (Ảnh minh họa)
Về băn khoăn liên quan đến việc tiếp nhận, xử lý dữ liệu gps truyền trực tiếp từ thiết bị về máy chủ của TCĐB VN, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải - TCĐB VN khẳng định: “TCĐB VN đã xây dựng trung tâm xử lý dữ liệu và yêu cầu kết nối, truyền dẫn toàn bộ thông tin theo yêu cầu bắt buộc về tốc độ, định danh, hành trình, thời gian lái xe,… Các thông tin này được tập hợp, phân tích phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Hệ thống này đang tiếp nhận khoảng 1,1 triệu thiết bị truyền dữ liệu về”.
Ông Bình cũng chia sẻ thêm về tác dụng thực sự của dữ liệu gps đối với công tác quản lý của nhà nước: “Từ năm 2016 đến 2018, các Sở GTVT đã căn cứ vào dữ liệu này để xử lý, đình chỉ hoạt động, thu hồi phù hiệu đối với 48556 phương tiện và thu hồi giấy phép kinh doanh của 42 đơn vị. Riêng năm 2017, dữ liệu này giúp cơ quan chức năng thu hồi 28005 phương tiện và đình chỉ hoạt động của 23 đơn vị vận tải. Tỷ lệ vi phạm về tốc độ của các xe kinh doanh vận tải trước khi đưa vào sử dụng trung tâm dữ liệu giám sát hành trình là 11,5 lần/ 1000 km nhưng hiện tại đã giảm xuống còn 0,19 lần/ 1000km.”
Từ những con số trên có thể thấy rất rõ rằng thiết bị giám sát hành trình góp phần rất lớn trong việc dần thay đổi ý thức của tài xế. Sản phẩm này đã được TCĐB VN, các Sở GTVT cũng như doanh nghiệp vận tải khai thác tối ưu hiệu quả trong thời gian qua, góp phần nâng cao năng lực quản lý, giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng một nền giao thông hiện đại, an toàn, văn minh. Do đó, trong thời gian tới, số lượng phương tiện vận tải gắn gps sẽ tiếp tục mở rộng để hỗ trợ công tác quản lý của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng.
Tổng hợp