Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu Cục Quản lý đường bộ cao tốc và Công ty CP đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang điều chỉnh tốc độ khai thác trên QL1, đoạn Hà Nội - Bắc Giang.
Cụ thể, giữ nguyên tốc độ như hiện tại đối với đoạn qua địa phận Bắc Giang. Đối với đoạn Hà Nội - Bắc Ninh, tốc độ sẽ được điều chỉnh như sau: Làn sát dải phân cách giữa dành riêng cho ô tô sẽ có tốc độ tối đa cho phép 90km/h.
Làn tiếp theo (làn giữa) dành cho ô tô, xe máy sẽ có tốc độ tối đa cho phép 70km/h. Làn còn lại phía ngoài cùng (có chiều rộng thay đổi) dành cho xe máy, xe thô sơ sẽ có tốc độ tối đa cho phép 50km/h.
Riêng khu vực cầu Xương Giang (Km117+950) và cầu Như Nguyệt (Km132+00) do chiều rộng mặt cầu bị thắt hẹp, có xe máy đi chung nên điều chỉnh giảm tốc độ tối đa từ 80km/h xuống 70km/h và không tổ chức phân làn theo phương tiện.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao Cục Quản lý đường bộ cao tốc chủ trì rà soát, hướng dẫn nhà đầu tư điều chỉnh hệ thống biển báo trên cho phù hợp, đồng thời rà soát điều chỉnh các biển báo chỉ dẫn địa danh, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt; tiếp tục theo dõi và kịp thời đề xuất xử lý các bất cập (nếu có).
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, việc khai thác với tốc độ 100km/giờ (làn phía trong giáp dải phân cách) trên đoạn Hà Nội-Bắc Ninh là chưa hợp lý vì đoạn tuyến này chưa phải đường cao tốc. Do đó, cần điều chỉnh tốc độ đoạn Hà Nội-Bắc Ninh về đúng với cấp đường là từ 70-90km/giờ đối với 2 làn.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT dài 45km, tổng mức đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng. Sau 2 năm xây dựng, dự án đã hoàn thiện và bắt đầu thu phí từ ngày 25/5 vừa qua với mức thu 35.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn. Vấn đề bất cập phát sinh là trong dự án không bố trí xây dựng đường gom đoạn Quốc lộ 1 qua Bắc Ninh dài hơn 20km. Do vậy, khi đưa vào khai thác, nhà đầu tư chỉ cho phép ôtô đi trên tuyến đường vừa nâng cấp, còn xe máy và xe thô sơ phải đi vào đường gom, đường vòng nhiều km. |
|
|
|