Ngày mai, 1/7/2012 là hạn chót để tất cả các xe kinh doanh vận tải trong diện quy định phải lắp đặt hộp đen nhằm tăng cường quản lý vận tải, giảm thiểu tai nạn. Dù “giờ vàng” đã điểm, nhưng vẫn còn rất nhiều xe thuộc diện bắt buộc lắp vẫn khá thờ ơ với quy định.
![]() |
Theo Nghị định 91, ngày 1/7 tới, tất cả xe khách tuyến cố định, xe buýt, xe vận tải khách theo hợp đồng, xe du lịch, xe vận tải hàng hóa bằng container sẽ phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Cơ quan đăng kiểm sẽ chỉ đăng kiểm cho những xe gắn thiết bị này.
Tại nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi… mới chỉ có khoảng 50% - 70% đầu xe thuộc đối tượng bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát thực hiện quy định này.
Có một thực tế là hầu hết các doanh nghiệp vận tải lớn như Mai Linh, Hoàng Long, Hoàng Hà… đều chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nhiều doanh nghiệp lắp thiết bị này ngay cả trước khi chính phủ quy định bởi họ ý thức được tác dụng thực sự của thiết bị định vị GPS trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vận tải nhỏ, các hợp tác xã vận tải, rất nhiều trường hợp lắp sản phẩm để đối phó và thậm chí còn thờ ơ với nghị định 91. Mô hình kinh doanh vận tải ở nước ta chủ yếu theo dạng thứ 2 này, thường chỉ có từ 5 – 7 đầu xe, chậm triển khai việc lắp đặt theo quy định.
Ước tính, tại TP.HCM mới chỉ có khoảng 60% xe đã lắp hộp đen. Ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, Sở đã nhiều lần có công văn yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo tình hình lắp đặt thiết bị GSHT, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo chưa đạt 1/3. Tính đến 30/5, trừ xe buýt đã lắp đặt 100%, mới có khoảng 6000/11.550 xe trên toàn thành phố lắp thiết bị giám sát theo yêu cầu. Từ đó đến nay, một số doanh nghiệp đã lắp thêm nhưng số lượng không nhiều, ông Tính cho rằng các nhà xe vẫn chần chừ vì chế tài xử phạt đến 1/7 năm sau mới có hiệu lực.
Tại Hà Nội, theo thống kê chưa đầy đủ, hầu hết các doanh nghiệp vận tải có thương hiệu đã lắp thiết bị GSHT. Tình hình chấp hành quy định này ở doanh nghiệp nhỏ là rất kém. Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mới có khoảng 15% tổng số phương tiện của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khai thác hiệu quả hộp đen cho việc quản lý và đảm bảo an toàn giao thông.
Trước tình trạng trên, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trịnh Ngọc Giao cũng khẳng định dù thời hạn xử phạt được lùi tới 1/7/2013, nhưng các loại ôtô nói trên vẫn phải lắp đặt hộp đen theo lộ trình mới đủ tiêu chuẩn kinh doanh vận tải. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm không kiểm định cho ôtô đã tới thời hạn vào kiểm định nhưng chưa lắp đặt hộp đen. Như vậy, nếu xe lưu thông trên đường không bị phạt vì chưa lắp hộp đen thì sẽ bị phạt không đủ tiêu chuẩn lưu hành.
Để tăng cường hiệu quả quản lý vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định cách thức kiểm tra thiết bị giám sát hành trình theo tiêu chuẩn đã được ban hành, các sở Giao thông vận tải định kỳ kiểm tra việc lưu trữ và khai thác dữ liệu an toàn từ thiết bị của các doanh nghiệp vận tải...
(Theo GTVT)
|
|
|