Nằm trong dự án bảo tồn loài linh trưởng đặc hữu của vùng Borneo, Cục động vật hoang dã bang Sabah, Malaysia và Trung tâm cánh đồng Danau Girang (DGFC) đang thử nghiệm gắn thẻ vệ tinh cho một chú khỉ mũi dài ở vùng Kinabatangan. Đây là lần đầu tiên khỉ mũi dài được gắn thẻ vệ tinh.
![]() |
Khỉ mũi dài được gắn thẻ vệ tinh phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, bảo tồn động vật |
Khỉ mũi dài có tên khoa học là Nasalis larvatus, theo cách gọi của người Malaysia là “monyet belanda” (khỉ Hà Lan) do có mũi dài và bụng to như những người lính Hà Lan đã từng xâm lược đất nước này. Đây là loài linh trưởng có lông màu nâu đỏ, sống trên cây. Loài này chỉ được tìm thấy ở bán đảo Borneo nằm trên hai nước Malaysia và Indonesia, hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Chú khỉ được gắn thẻ vệ tinh (thiết bị định vị vị trí) này là một cá thể đực nặng 24 kg. Việc gắn thẻ vệ tinh cho loài động vật này là sự khởi đầu cho một chương trình bảo tồn và nghiên cứu lâu dài do Cục động vật hoang dã bang Sabah phát động.
Với thẻ vệ tinh này, các nhà khoa học sẽ dễ dàng tìm hiểu thông tin về đời sống của khỉ mũi dài, những yếu tố môi trường không thuận lợi, các tình huống tác động tiêu cực đến đời sống của những cá thể này. Từ đó, các nhà khoa học sẽ xác định được môi trường sống thích hợp, góp phần vào việc bảo tồn loài động vật quý hiếm.
Nếu kết quả thử nghiệm thành công, Cục động vật hoang dã bang Sabah sẽ cài thẻ vệ tinh cho 10 cá thể trong khu bảo tồn động vật hoang dã Kinabatangan. Cơ quan này cũng sẽ lấy mẫu máu của loài khỉ mũi dài trên toàn bang nhằm phân tích di truyền và nhận dạng ký sinh trùng, lấy mẫu nước bọt để kiểm tra vi rút và vi khuẩn, thu thập vật ký sinh ngoài và dữ liệu hình thể.
(Theo Tin Tuc)
|
|
|