Đến nay dù đã hơn 3 tháng (tính từ 1/7/2012) thời hạn bắt buộc các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô tuyến cố định, xe buýt, xe chạy hợp đồng, xe ôtô vận tải hàng hóa bằng container... phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) nhưng nhiều đơn vị vận tải tại các tỉnh phía Nam vẫn tỏ ra thờ ơ hoặc lắp đặt theo kiểu đối phó. Lý do dẫn đến tình trạng này chủ yếu xuất phát từ suy nghĩ cho rằng phải đến 1/7/2013 ngành chức năng mới áp dụng biện pháp xử phạt các trường hợp vi phạm nên các doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách “câu giờ”.
Theo Sở GTVT Đồng Nai, đến nay trên địa bàn tỉnh còn khoảng 20% tổng số phương tiện thuộc diện bắt buộc phải gắn thiết bị GPS chưa thực hiện việc lắp đặt. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hầu hết các HTX vận tải đều thực hiện tương đối tốt theo sự chỉ đạo của Sở GTVT. Chỉ những doanh nghiệp tư nhân và nhiều nhà xe cố tình làm ngơ và “lách luật”. Về chất lượng của hộp đen đã lắp đặt trên địa bàn Đồng Nai, theo Phòng Vận tải – Phương tiện (Sở GTVT Đồng Nai), thời gian qua các doanh nghiệp cung ứng thiết bị đã có nhiều nỗ lực để khắc phục những khiếm khuyết, các lỗi kỹ thuật, song vẫn còn một số đơn vị chưa khắc phục được.
Còn tại Tp. Hồ Chí Minh, đến thời điểm này chỉ có 204/586 doanh nghiệp vận tải báo cáo Sở GTVT về tình hình lắp đặt “hộp đen”. Sở GTVT Thành phố cho biết, có 6.964/13.112 xe ôtô thực hiện gắn “hộp đen”; trong đó có 2.600/2.876 xe buýt hoạt động trên địa bàn. Theo Phòng Vận tải - Phương tiện (Sở GTVT Tp. Hồ Chí Minh), vì chưa có quy định biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp vận tải nên họ không chấp hành chế độ báo cáo, dẫn đến tỷ lệ báo cáo đạt thấp...
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp cung ứng hộp đen thì thời gian gần đây, nhằm đối phó với cơ quan đăng kiểm nên có tình trạng doanh nghiệp vận tải và nhà xe tỏ ra gian lận như: thuê hộp đen của nhà cung cấp hoặc mua với số lượng ít để luân chuyển, hoán đổi mỗi khi đưa phương tiện đi đăng kiểm... Sau khi phương tiện được cấp phù hiệu là lập tức tháo bỏ hộp đen.
Ông Đặng Vũ Nghị - Giám đốc Công ty TNHH truyền thông Khánh Hội cho biết: “Vì những lý do về lợi nhuận và cạnh tranh trong làm ăn nên mới đây một HTX (xin được giấu tên) đã đề nghị thuê của công ty chúng tôi 30 hộp đen với giá dưới 2 triệu đồng/thiết bị để có đủ điều kiện đăng kiểm cho số phương tiện của họ. Một trường hợp khác có 10 xe ôtô hợp đồng du lịch muốn mua của chúng tôi 4 hộp đen xong họ lại yêu cầu chúng tôi phải thay đổi thông tin ghi nhận và lưu giữ biển số xe và tài xế trong mỗi lần hoán đổi để đi đăng kiểm. Tất nhiên là chúng tôi không chấp nhận làm ăn với những khách hàng như vậy”.
Về vấn đề này, một lãnh đạo phòng Vận tải - Phương tiện (Sở GTVT Tp. Hồ Chí Minh) cho hay, Phòng chưa phát hiện hoặc nghe phản ánh về trường hợp gian lận như vừa nêu. Để xử lý những doanh nghiệp vận tải không thực hiện việc gắn thiết bị hộp đen, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định, mới đây Sở GTVT Thành phố đã có văn bản số 12043/SGTVT-VTĐB gửi các bến xe đồng thời, Sở cử lực lượng phối hợp với các bến tăng cường kiểm tra các phương tiện vận tải hành khách hoạt động trong bến. Đối với những trường hợp chưa gắn hộp đen, lực lượng chức năng lập biên bản nhắc nhở, yêu cầu phải lặp đặt. Nếu vẫn không thực hiện thì không được giải quyết vào vị trí xếp khách.
Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Hữu Hoàng – Trưởng phòng Vận tải - Phương tiện (Sở GTVT Đồng Nai) cho biết: “Vì chưa đến thời hạn xử phạt các doanh nghiệp vận tải không chấp hành việc gắn thiết bị hộp đen nên lâu nay Sở GTVT Đồng Nai vẫn đang tiến hành biện pháp thúc ép các chủ phương tiện lắp đặt thông qua công tác đăng kiểm. Cụ thể, chúng tôi rút ngắn thời gian cấp phù hiệu từ 1 năm xuống còn 6 tháng, và vì vậy, các doanh nghiệp vận tải muốn hoạt động buộc phải lắp đặt hộp đen để được cấp phù hiệu.
(Theo Banduong)
|
|
|